Đoạn trừ phiền não do tri kiến


>> Xem chi tiết: https://adidaphat.gn.com.vn/dao-phat

Tri kiến là sự thấy biết, sự nhìn rõ. Chúng ta phải nhìn rõ khi nào thì phiền não khởi lên và thấy được nó bắt nguồn từ đâu. Biết được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể hóa giải phiền não.

Thí dụ, nếu người thân trong gia đình qua đời, lẽ thường ta sẽ rất đau khổ. Vậy chúng ta phải ứng dụng Phật pháp như thế nào để hóa giải phiền não trong lúc này?

Đức Phật dạy, những gì hữu hình đều hữu hoại, có sinh phải có diệt, có hợp phải có tan. Xét lại thân của chúng ta, vốn là thứ vật chất giả tạm, do tứ đại[2] nương nhau hợp thành nên một ngày nào đó sẽ phải tan hoại theo quy luật vô thường: sinh, già, bệnh, chết. Đó là điều hiển nhiên và không thể tránh khỏi. Chúng ta có mặt trên cuộc đời đều mang chung một án tử, chỉ khác là khi ra “pháp trường” kẻ trước người sau. Trước đây, chúng ta đau khổ, than khóc. Bây giờ, chúng ta hiểu rằng, khóc như vậy chỉ thêm sầu bi mà thôi, có khóc bao nhiêu thì người mất cũng đã ra đi, không thể sống lại được. Hiểu được như thế là chúng ta đang dùng Phật pháp để đoạn trừ phiền não và hóa giải những nỗi khổ của mình.

Quý vị nào đã xem phim Trưởng Giả Kén Rể sẽ thấy rõ điều này. Cả ba người con của bà trưởng giả lần lượt ra đi. Đau khổ vì điều đó, bà không ăn không ngủ, khóc cả ngày lẫn đêm đến mù mắt, không bao lâu sau bà cũng ra đi, và những giọt nước mắt, những đau khổ của bà như vậy có phải vô ích không? Rõ ràng, cứ giữ mãi nỗi đau khổ trong lòng sẽ không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ khiến cuộc sống của chúng ta bế tắc hơn thôi.




Có một câu chuyện kể rằng: Vào thời đức Phật còn tại thế, có một nữ cư sĩ đến tinh xá cúng dường, trong lúc bà đang sớt bát cho chư Tăng thì người ta đến báo tin con của bà vừa mất. Khi nghe như vậy, bà không biểu lộ sự hốt hoảng hay khổ đau mà vẫn bình tĩnh tiếp tục sớt bát cho chư Tăng. Sau khi cúng dường xong, bà trở về nhà. Lúc đó, người ta hỏi: “Tại sao con bà mất rồi mà bà vẫn bình tĩnh như vậy?”. Bà nói rằng: “Tôi không mời mà nó đến, tôi không đuổi mà nó đi, đến như thế nào, đi như thế đó, đến đi như gió, hợp tan như mây, gió mây vô thường, vấn vương chi khổ”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy vị nữ cư sĩ này đã hiểu Phật pháp rất sâu sắc. Điều quý giá nhất là khi còn sống với nhau, con người có thể yêu thương, chăm sóc và quan tâm nhau hết lòng. Còn sinh tử là lẽ đương nhiên, đời người “đến đi như gió, hợp tan như mây”, cảm thấy đau khổ vì gió đã thổi qua hay vì mây đã tan mất thì thật là dại dột. Vậy nên, khi thấy biết đúng đắn tính chất vô thường của gió mây nói riêng và vạn vật nói chung, chúng ta sẽ hóa giải được phiền não và đau khổ của mình.

Tương tự như vậy, tài sản là vật ngoài thân, không thể tồn tại mãi mãi, nhưng khi mất rồi chúng ta vẫn tiếc nuối, đau khổ. Ngay cả người học Phật cũng vậy. Đức Phật dạy rằng tài sản của chúng ta trước sau gì cũng sẽ rơi vào một trong năm nhà: bị nước trôi, lửa cháy, trộm cướp, vợ con phá tán hoặc bị vua quan tịch thu. Chúng ta đã hiểu giáo lý nhân quả thì phải biết rằng, trong quá khứ mình nợ người ta thì bây giờ mình phải trả. Nếu chỉ nhìn hiện đời, chúng ta sẽ thấy mình bị mất, bị thiệt, nhưng xét theo nhân quả thì thật ra chúng ta không hề thiệt thứ gì, bởi đã là trả nợ thì không thể gọi là thiệt được.

Như vậy, khi có sự thấy biết đúng đắn, chúng ta sẽ hóa giải được phiền não, đau khổ. Đó là pháp thứ nhất “dùng tri kiến để đoạn trừ phiền não” mà đức Phật đã dạy chúng ta.

>> Xem thêm: https://adidaphat.gn.com.vn/kinh


Bài viết khác cùng Box :